Bồ công anh hoa tím và các tiềm năng làm thuốc

Nhắc đến hoa bồ công anh thì người ta thường liên tưởng đến một cụm hình tròn, trắng như bông và bay lửng lơ trong gió. Tuy nhiên, đó không phải là hoa mà chính là cụm quả với các lông tơ để phát tán theo gió, mang hạt giống của nó đi xa hơn.

Còn hoa bồ công anh – loại phổ biến nhất (Lactuca indica) thì hoa của nó thường có màu vàng, trông như hoa cúc vậy.

Ngoài ra, còn một loại bồ công anh khác là bồ công anh hoa tím, cũng thuộc họ Cúc và có tên khoa học là Cichorium intybus. Ở Trung Quốc, người ta gọi nó là cúc cự (菊苣) còn ở Việt Nam thì hay gọi là cải ô rô, diếp xoăn hay cụ thể hơn: bồ công anh hoa tím.

Đặc điểm

Đây là loại thân thảo như cây cải, thường chỉ cao dưới 1 m và rễ cây có khi to mập như củ.

Thân cây bóng nhẵn và chia thành nhiều cành, phiến lá thuôn dài hình mũi mác và xẻ thành nhiều thùy ở phần nửa dưới, mép lá có răng cưa.

Cây bồ công anh hoa tím
Cây bồ công anh hoa tím

Và đúng như tên gọi, hoa của cây này có dạng hình lưỡi và thường có màu xanh lơ tím. Khi dùng làm thuốc, người ta cắt toàn cây (ngoại trừ phần rễ), đem thái nhỏ rồi dùng tươi hay phơi khô (1).

Công dụng làm thuốc của bồ công anh hoa tím

Ở Pháp, hoa của cây bồ công anh hoa tím được dùng làm thuốc bổ phổi. Ở Trung Quốc, cây này được biết với tác dụng thanh nhiệt giải độc và lợi niệu tiêu thũng (2).

Ở nước ta, vì bồ công anh hoa tím không phổ biến so với bồ công anh Trung Quốc và bồ công anh Việt Nam nên tác dụng làm thuốc của nó cũng ít được chú ý.

Bồ công anh hoa tím
Hình ảnh cây thuốc

Tuy nhiên, trên thế giới thì nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá về nó. Cụ thể:

  • Về hoạt tính chống sốt rét: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất từ rễ cây bồ công anh hoa tím có các hoạt chất giúp chống lại bệnh sốt rét (3).
  • Về hoạt tính bảo vệ gan: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ rễ cây giúp chống lại tổn thương gan do carbon tetrachloride gây ra (4). Ngoài ra, chiết xuất cồn từ hạt của cây cũng có tác dụng chống tổn thương gan (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology) (6).
  • Về hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Fitoterapia, chiết xuất nước, ethanol và ethyl acetate của cây này đều cho thấy hoạt động kháng khuẩn (trong đó mạnh nhất là chiết xuất ethyl acetate) (5).
  • Về tác dụng hạ đường huyết: Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất 80 % ethanol từ cây bồ công anh hoa tím có tác dụng hạ đường trong máu so với nhóm chuột đối chứng. Vì vậy, kết quả nghiên cứu này bổ sung thêm niềm tin vào y học cổ truyền Ấn Độ khi họ dùng cây này điều trị bệnh tiểu đường (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology) (7).
  • Về tác dụng chống sinh sản: Theo công trình 101 cây thuốc với sức khỏe sinh sản phụ nữ thì bồ công anh hoa tím có các hoạt chất chống lại sự sinh sản ở động vật. Cụ thể, chiết xuất cồn 50 % của toàn bộ cây cho thấy tác dụng sảy thai (kết quả thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cái). Bên cạnh đó, các hoạt chất từ cây này cũng gây ức chế khả năng sinh sản ở chuột nhắt trắng đực (chiết xuất nước toàn cây làm giảm số lượng tinh trùng mà không làm ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản khác) (1).

Như vậy, thấy được tiềm năng làm thuốc cũng như các hoạt tính của bồ công anh hoa tím sẽ cho ta một cái nhìn khác hơn về loài cây này. Thông qua đó, nó thúc đẩy chúng ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về dược tính cũng như độc tính của cây (nếu có) để phục vụ nhu cầu y học.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện