Bị mụn trứng cá do thiếu chất Kẽm và các hướng khắc phục

Nổi mụn tuổi dậy thì

Có nhiều bạn da nhờn quá mức và bị mụn trứng cá mãi không khỏi chỉ vì một lý do rất cơ bản mà ít ai ngờ tới, đó là thiếu chất Kẽm.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao chất Kẽm lại liên quan đến mụn phải không? Vậy, hãy cùng mình tìm hiểu nhé! Vì sao thiếu kẽm lại gây nổi mụn?

Hiển nhiên, không phải hễ ai bị mụn cũng là do thiếu Kẽm. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu Kẽm thì nhiều khả năng bạn sẽ nổi mụn đấy! Và không chỉ thế, nốt mụn cũng dễ viêm và lâu lành hơn.

Các dấu hiệu thiếu Kẽm

Nếu thiếu khoáng chất này, móng tay bạn sẽ hay có các đốm trắng (hạt gạo), móng dễ gãy, xương yếu, tiêu chảy, huyết áp thấp, vết thương chậm lành…

Móng tay dễ gãy là dấu hiệu thiếu Kẽm
Móng tay dễ gãy là dấu hiệu thiếu Kẽm

Đối với lĩnh vực thẩm mỹ, khi cơ thể thiếu Kẽm, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy giảm, tóc rụng nhiều, da dễ viêm, lượng dầu nhờn trên da tăng quá mức làm bít tắt lỗ chân lông, sừng hóa nang lông và gây ra mụn trứng cá (1) (2) (3).

Da nhờn (dễ bị mụn trứng cá)

Các thực phẩm và thuốc giúp bổ sung Kẽm

Rất nhiều rau củ quả mà chúng ta ăn hàng ngày đều có chứa Kẽm. Tuy nhiên, chúng chỉ chứa một lượng rất ít và cũng không được cơ thể hấp thu hoàn toàn.

Mặc dù vậy, cũng có một số thực phẩm chứa nhiều khoáng chất này như: hàu, nấm, các loại hạt, socola đen, đậu nành, hạt mè, đậu phộng, sò, tôm…

Kẽm
Kẽm

Ngoài thực phẩm thì bạn còn có thể bổ sung Kẽm dưới dạng thuốc, chẳng hạn như: Kẽm gluconate (loại này khá phổ biến), Kẽm sunfat, Kẽm ascorbate và loại kẽm để bôi ngoài da là Kẽm oxit (1) (2) (3).

Một số tác dụng phụ

Các viên uống bổ sung Kẽm có ưu điểm là tiện lợi, dễ sử dụng và giúp bổ sung một lượng cần thiết một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, để hiệu quả sử dụng được cao hơn thì bạn nên bổ sung thêm một khoáng chất nữa là Đồng (nếu muốn chắc xương, chắc răng và giảm mụn hiệu quả).

Bên cạnh đó, bổ sung Kẽm dưới dạng thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, khó ngủ…

Tình trạng quá liều: Nếu dùng quá liều, bạn có thể gặp phải một số phản ứng như: buồn nôn, nhức đầu, đau bao tử, đau bụng, tiêu chảy, mất cảm giác ngon miệng… và ảnh hưởng đến các mỡ máu tốt của cơ thể. Vì vậy, bạn nên dùng đúng liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn nhé! (1) (2) (3).

Một số lưu ý quan trọng

  • Về sự kém hấp thu: Có đôi khi, bạn cảm thấy mình ăn rất nhiều thức ăn giàu Kẽm nhưng vẫn bị thiếu chất này thì một trong các nguyên nhân phổ biến đó là: Có thể bạn đã chế biến thực phẩm này cùng với nhiều thực phẩm giàu phytate và chất xơ (vì phytate và chất xơ sẽ làm cản trở sự hấp thu Kẽm). Vì vậy, hãy hạn chế các sự kết hợp này hoặc nếu có chế biến thực phẩm giàu kẽm thì chỉ kết hợp với một ít rau củ (chất xơ) thôi nhé! (4).
  • Các nguyên nhân khác: Ngoài trường hợp kể trên thì tình trạng thiếu Kẽm còn có thể xảy ra khi bạn bị một số bệnh như: xơ nang, bệnh Crohn, bệnh gan mạn tính, đái tháo nhạt, hồng cầu lưỡi liềm… Ngoài ra, các vận động viên cũng là những người thường bị thiếu Kẽm (1) (2) (3).

Kinh nghiệm cá nhân

Thời học sinh, mình hay bị nổi mụn trứng cá và dù ăn rau xanh, uống nước mát nhiều thế nào thì cũng không hết. Khi đi bệnh viện da liễu, các bác sĩ đã kê cho mình rất nhiều loại thuốc, trong đó có một loại thuốc mà mình biết, đó là Kẽm (Zn).

Trong quá trình dùng thuốc, da mặt mình bớt nhờn và giảm mụn khá rõ. Hiển nhiên, vì mình không thích dùng thuốc Tây nên sau khi thấy mụn cải thiện thì đã ngưng dùng. Hiện tại, chỉ những khi thấy da mặt nhờn, nhiều dầu hơn mức bình thường thì mình mới mua thêm viên uống bổ sung Kẽm, uống một thời gian thì ngưng (tùy hàm lượng mà có quy định về liều dùng khác nhau nên khi mua, bạn nhớ hỏi các bác sĩ/ nhân viên bán thuốc nhé!).

Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là chọn ăn các thức ăn giàu Kẽm và tránh kết hợp chúng với các thực phẩm giàu chất xơ, như vậy, chúng ta sẽ bổ sung được khoáng chất này một cách tự nhiên và an toàn nhất!.

Nguồn tham khảo
  1. Uống kẽm trị mụn: 7 điều bạn cần biết trước khi dùng, https://hellobacsi.com/da-lieu/tri-mun/uong-kem-tri-mun/, ngày truy cập: 01/ 07/ 2021.
  2. Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dau-hieu-canh-bao-co-thieu-kem/, ngày truy cập: 01/ 07/ 2021.
  3. Có nên uống kẽm để giảm tiết dầu, hỗ trợ trị mụn?, https://www.happyskin.vn/co-nen-uong-kem-de-giam-tiet-dau-ho-tro-tri-mun, ngày truy cập: 01/ 07/ 2021.
  4. Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 2, NXB Trẻ, trang 45.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện