Bí đao có mặt trong các bữa ăn hàng ngày và nhiều chị em rất thích ăn canh bí đao vì nó thanh mát, nhuận tràng và giúp giảm cân.
Thật vậy, mỗi khi bạn thấy nóng trong người thì hãy ăn một hoặc hai chén canh bí đao, nó sẽ giúp bạn “hạ hỏa” ngay.
Tuy nhiên, bí đao cũng kỵ một số món ăn, vì vậy, trong chế biến, các chị em cần lưu ý để tránh nhé!
1. Bí đao kỵ muối
Điều này không có nghĩa là ăn bí đao cùng muối thì sẽ gây ngộ độc.
Tuy nhiên, nếu bạn nấu bí đao mà bỏ quá nhiều muối thì tác dụng của bí đao sẽ giảm đi (nhất là tác dụng mát phổi, giảm ho của bí đao sẽ bị giảm đi đáng kể).
2. Bí đao kỵ cá diếc
Không nên nấu canh cá diếc với bí đao vì hai món này kỵ nhau. Được biết, thịt cá diếc bổ dưỡng, giúp giải độc, lợi tiểu, giảm phù nề và thông sữa (trong trường hợp tắc sữa sau sinh).
Tuy nhiên, bí đao cũng là loại thức ăn giúp lợi tiểu mạnh. Vì vậy, nếu kết hợp hai nguyên liệu này thì sẽ gây lợi tiểu mạnh, đi tiểu nhiều và làm mất nước nghiêm trọng, mất cân bằng điện giải.
3. Bí đao kỵ đậu đỏ
Nhiều người thích nấu canh bí đao cùng đậu đỏ, tuy nhiên, đây lại là cách kết hợp sai lầm vì hai nguyên liệu này đều có tác dụng lợi tiểu mạnh, gây mất nước và làm cơ thể gầy mòn.
Vì vậy, trong bữa ăn có bí đao thì bạn không nên ăn đậu đỏ nhé!
Được biết, trong y học cổ truyền, đậu đỏ là vị thuốc giúp giảm béo khá tốt. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng riêng đậu đỏ (hoặc dùng riêng bí đao), như vậy thì cơ thể sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Mọi sự giảm cân cấp tốc, thúc đẩy cơ thể hoạt động nhanh hơn quá mức đều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
4. Bí đao kỵ với giấm
Bạn biết đấy, bí đao chứa nhiều vitamin và muối khoáng nhưng nếu ăn cùng giấm thì cơ thể chúng ta sẽ không hấp thụ được các vitamin và muối khoáng này. Vì vậy, trong bữa ăn, nếu đã ăn bí đao thì không nên ăn những món có giấm, bạn nhé!
Ai không nên ăn bí đao?
Bí đao là loại thực phẩm lành tính nhưng vì có tác dụng làm mát và lợi tiểu mạnh nên một số trường hợp sau đây không nên ăn, đó là:
- Người gầy yếu, suy nhược cơ thể lâu ngày thì không nên ăn (vì bí đao có tác dụng lợi tiểu, thải nước, giảm cân nên sẽ làm cơ thể gầy hơn).
- Đàn ông bị di tinh cũng không nên ăn (vì sẽ làm cho tình trạng tồi tệ hơn).
- Người hay lạnh tay chân cũng cần hạn chế (vì bí đao có tính hàn, mát, sẽ làm nặng hơn tình trạng “hay lạnh” của cơ thể).
Bí đao có tác dụng gì?
Bí đao rất tốt cho phổi và thận, là loại thực phẩm giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm ho. Đối với hệ tiêu hóa, bí đao còn giúp nhuận tràng, dễ tiêu hóa, làm sạch dạ dày và ngừa táo bón.
Không chỉ thế, ăn canh bí đao còn giúp đẹp da, mát da, ít nổi mụn và giúp da tươi tắn. Đặc biệt, với những bạn đang muốn giảm cân thì bí đao còn có tác dụng tích cực vì nó rất ít calo, ít chất béo và nhiều chất xơ.
Vì vậy, những người sau đây nên ăn bí đao thường xuyên (mỗi tuần 2 – 3 lần):
- Người hay bị nóng trong người, thiếu máu (giúp thanh nhiệt rất hiệu quả).
- Người hay bị khô miệng, thiếu nước bọt, ăn uống kém ngon (giúp bổ sung nước cho cơ thể).
- Người hay bị táo bón, đại tiện khó (giúp nhuận tràng, dễ đi tiêu, đi tiểu).
- Người béo phì, cơ thể nặng nề, ứ trệ (hỗ trợ giảm cân lành mạnh).
- Người máu huyết lưu thông kém, tiểu tiện không thông.
Cuối cùng, khi mua bí đao thì bạn nên chọn những trái còn non, vỏ mỏng, bên ngoài còn phủ lớp lông tơ vì những trái này còn non và mới, nhiều nước và cũng giàu dinh dưỡng hơn (1).
Xem thêm: Cách dùng bí đao điều trị tiểu đường
- Thôi Hiểu Lệ, Kỵ và hợp trong ăn uống, trang 28[↩]