Bài thuốc Nam điều trị đau ban sốt li bì và khía cạnh tâm linh trong nghề thuốc

Ông Nội và chú bác tôi đều là người Bình Định, cùng rời xứ vào Nam sinh sống theo những chuyến di dân. Nghe đến Bình Định thì có lẽ bạn đoán đúng rồi đấy – dòng họ Nội tôi vốn là con nhà võ. Cho nên, lúc vào Nam thì ông Bảy, ông Chín làm thầy dạy võ, ông Nội tôi thì làm Chánh lục còn ông cố thì làm tướng cướp, lập sào huyệt ở Bến Tre.

Tôi nghe ba tôi kể rằng mỗi năm, các ông đều tề tựu cúng Tổ một lần: cúng Tổ bùa, Tổ võ, Tổ thuốc… Mỗi lần như thế đều cúng mười mấy con gà.

Riêng ba tôi, ông không theo nghề võ và cũng không theo nghề thuốc. Thế nhưng, ba tôi lại có tay phục dược. Vì vậy, rất nhiều lần ba tôi cứu người “cải tử hoàn sinh” từ những bài thuốc Nam.

Phơi thuốc nam
Phơi thuốc nam

Chuyện tâm linh nghề thuốc

Năm 1974, tôi còn nhớ lúc ấy vừa qua Tết mấy ngày, tôi thì tầm 16 tuổi, ba tôi có nói với anh em tôi: “Trong năm nay thế nào cũng có chữa bệnh cho người ta, bệnh ngặt nghèo, chết đi sống lại”. Đây là yếu tố tâm linh mà tôi luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời mình, vì trong suốt cuộc đời ba tôi, không phải một lần mà rất nhiều lần, ông đều nằm mơ thấy được trong khoảng thời gian nào đó, sẽ có người được ông giúp cho bài thuốc cứu mạng. Và sự việc xảy ra sau đó đều đúng như vậy.

Năm ấy, có anh cảnh sát có đứa con trai bị đau ban. Không hiểu gia đình chạy chữa ra sao mà càng ngày, đứa bé càng nằm thiêm thiếp, chỉ còn chờ chết (bé bị đau ban thể nhiệt, ban đầu sốt nóng li bì, dần dần bòn rút cơ thể). Được biết, ông nội cháu bé ấy là bác sĩ Tây y còn ông Ngoại cháu bé ấy là thầy thuốc Đông y. Tuy nhiên, đối với trường hợp của cháu bé thì hai ông ấy đều xác định là “chỉ có chết”.

Về phần anh cảnh sát thì lúc nào đi làm anh cũng buồn bã, gặp ai anh cũng than thở về hoàn cảnh của đứa con. Nhờ vậy mà người đồng nghiệp của anh biết và kêu anh đến nhờ ba tôi cho bài thuốc (vì lúc ấy, nhiều người đã biết cái danh “thầy thuốc tiên” của ba tôi).

Thế là anh cảnh sát đến nhà tôi, năn nỉ, kể lể sự tình và nhờ ba tôi theo anh về nhà để xem bệnh tình đứa bé… Lúc đó, ông Nội và ông Ngoại của đứa bé nói nhỏ với anh cảnh sát nhưng cố tình để ba tôi nghe: “Con mày trước sau cũng chết, kêu thầy làm chi tốn tiền”.

Ba tôi nghe xong thì kiếm cớ từ chối không trị nhưng vì anh cảnh sát (cha đứa bé) thành tâm cầu xin nên ba tôi đồng ý với điều kiện “nếu đứa nhỏ không hết hoặc lỡ có chết thì không được đổ thừa” ba tôi.

Thế là ba tôi về nhà chuẩn bị thuốc (lúc ấy tôi có ở nhà bên biết bài thuốc ấy gồm các vị gì). Qua ngày hôm sau, ba tôi đem thuốc xuống đưa cho anh cảnh sát (cha đứa bé). Thế là anh cảnh sát thực hiện bài thuốc ấy và cạy miệng đứa bé để cho thuốc vào (vì đứa bé đã nằm li bì như xác chết, không còn cử động gì được nữa…).

Ba tôi còn dặn trước khi cho bé uống thuốc thì nấu sẵn một ít cháo trắng, nêm đường và một ít muối, để sẵn đó. Sau khi uống thuốc từ 5 – 10 phút, nếu đứa bé mở mắt ra thì hãy cho bé ăn từ từ…

Một tuần sau, anh cảnh sát xách một ít trái cây qua nhà tôi để ba tôi cúng tổ vì đứa bé đã khỏe lại. Lúc ấy, tôi cảm thấy anh cảnh sát gần như vui mừng đến độ muốn lạy ba tôi để tỏ lòng biết ơn.

Nói thêm, ba tôi điều trị bệnh không lấy tiền, sau khi khỏi bệnh thì chỉ cần cúng trái cây để tạ ơn Tổ là được, không có sát sinh động vật. Cúng Tổ thì người bệnh cúng ở nhà họ cũng được, còn như không biết cúng thì đem lên nhà tôi cho ba tôi cúng. Thật ra, nhà tôi cũng đâu có bàn thờ Tổ thuốc gì đâu. Chỉ sắp trái cây ra mâm, để lên cái ghế, đốt nhang, đèn, nước… rồi khấn vái thế thôi.

Bài thuốc điều trị đau ban sốt li bì

Đến đây thì tôi cũng xin chia sẻ lại bài thuốc này. Thành phần của nó vỏn vẹn chỉ có 2 vị là:

  • Một cái mộng dừa (mộng dừa nằm bên trong trái dừa khô đã mọc mầm, ta đập trái dừa bể làm 2 rồi lấy mộng dừa ra, lưu ý không làm vỡ mộng dừa).
Mộng dừa
Mộng dừa
  • Mật trăn (là mật của con trăn, dùng tươi hay khô đều được; trước đây, người ta làm thịt trăn xong thường lấy mật trăn treo lên, phơi nắng cho khô để khi có việc thì dùng).
mật trăn tươi
Mật trăn (tươi)

Lưu ý: Tùy vào kích thước của cái mộng dừa (lớn hay nhỏ) mà dùng lượng mật trăn nhiều hay ít, từ 1/4 mật đến 1/2 mật (ví dụ cái mộng dừa to bằng bàn tay thì lấy nửa cái mật trăn, nếu cái mộng dừa nhỏ hơn thì chỉ dùng 1/4 mật trăn).

Cách thực hiện và liều lượng

Để thực hiện bài thuốc này, bạn lấy nguyên cái mộng dừa rồi nhét mật trăn vào bên trong (giữa cái mộng dừa), sau đó để cái mộng dừa ấy vào một cái tô kiểu (tô sành, tô đá), đem chưng cách thủy.

Khi chưng đến độ mật đã tan, mộng dừa đã chín, xốp mềm và xụm xuống thì lấy ra. Sau đó, bạn lấy muỗng ép cái mộng dừa ấy cho nước thuốc chảy ra (lấy thêm miếng vải mùng, bỏ xác mộng dừa vào, vắt thêm để chắt cho hết nước thuốc).

Nước thuốc này chia thành nhiều lần uống, cứ cách 3 tiếng thì cho bé uống một lần (tức một ngày uống 3 – 4 lần), mỗi lần uống là 1/2 muỗng nhỏ nước thuốc (loại muỗng cà phê). Vì thuốc này có vị đắng nên cũng khó uống.

Lưu ý

Sau khi trẻ uống thuốc, nếu thấy trẻ bắt đầu tỉnh lại và đói bụng thì ta cho trẻ ăn cháo, uống nước, sau đó 3 tiếng thì cho trẻ uống thêm 1 lần thuốc nữa nhưng lần này thì giảm liều lượng xuống, chỉ dùng 1/4 muỗng nhỏ, sau đó ngưng thuốc và cho trẻ ăn uống bình thường (bồi dưỡng cơ thể bằng thức ăn để khỏe dần).

Ngược lại, nếu trẻ vẫn còn sốt hay nằm ly bì thì ta cứ cách 3 tiếng cho uống 1 lần cho đến khi trẻ tỉnh lại (bài thuốc này chỉ làm 1 lần và chia thành nhiều lần uống, không làm thêm bài khác).

Lưu ý, nếu là trẻ em dưới 2 tuổi thì ta cần giảm liều lượng xuống, mỗi lần uống 1/4 muỗng nhỏ.

Hôm qua, ngày 28/ 10/ 2021; tôi viết bài này theo trí nhớ của tôi nhưng tôi còn phân vân, không biết ngoài trường hợp bệnh mà tôi đã kể thì bài thuốc này còn được dùng điều trị các loại nào khác không (vì đau ban cũng có nhiều dạng như ban đỏ, ban đen, ban bạch…). May thay, em trai tôi bất ngờ gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe trong mùa dịch, vì vậy, sẵn tiện tôi nói với em tôi sự phân vân của mình. Em tôi bèn lục sách vở ba tôi để lại và xem thì thấy ba tôi ghi là: “trị các loại ban ở trẻ em!”.

Lời kết

Bây giờ (2021), những người trẻ tuổi và trung niên sinh sau 1975 có lẽ ít biết căn bệnh ban quái ác này. Rất nhiều gia đình trước đây đều khó tránh khỏi có con em trong nhà mắc bệnh ban và thậm chí tử vong (ngày nay ít thấy bệnh này).

Cuối cùng, bài thuốc là kinh nghiệm dân gian và rất mong có thể được giới chuyên môn nghiên cứu để sử dụng cho các bệnh chứng tương tự.

Trần Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện