Ca dao có câu:
“Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”.
Thật vậy! Có được giấc ngủ ngon là một sự sảng khoái không gì bằng!. Ngược lại, người hay mất ngủ, giật mình khi ngủ, ngủ không sâu giấc sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về tinh thần lẫn sức khỏe.
Trên thực tế, rất nhiều người phải dùng thuốc ngủ mới ngủ được (nhất là những người lớn tuổi). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, hơn nữa, nó còn để lại nhiều mối nguy hại khôn lường về sức khỏe.
Vậy, làm thế nào để có được một giấc ngủ ngon, để khi thức dậy tinh thần được sảng khoái?
Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài thuốc dân gian điều trị mất ngủ kinh niên từ 4 thành phần dễ tìm, đó là vỏ cây vông nem, rau nhãn lồng, lá sen và củ gừng tươi.
Bài thuốc dân gian điều trị mất ngủ
Nói về công dụng điều trị mất ngủ thì tưa xưa tới nay, theo kinh nghiệm dân gian, các loại Nam dược như nhãn lồng, lá sen và vỏ cây vông nem đều là những vị thuốc điều trị bệnh này rất hiệu quả.
Mẹ tôi trước đây cũng từng mắc phải chứng mất ngủ, thậm chí là mất ngủ trong thời gian dài. Có thể nói, chứng mất ngủ kinh niên này đã làm cho tánh khí của mẹ tôi hay thay đổi thất thường, khổ nhất là mẹ thường hay quên trước quên sau.
Sau mấy tháng trời như vậy, mẹ tôi mới được chỉ cho bài thuốc giúp điều trị mất ngủ. Thấy nguyên liệu đơn giản, dễ tìm mà quy trình thực hiện lại không mấy rườm rà, mẹ tôi tin và làm theo. Kết quả là sau khoảng 1 tuần, mẹ tôi đã ngủ ngon trở lại (dễ đi vào giấc và ngủ sâu hơn, không còn thức giấc nửa đêm nữa).
Thành phần bài thuốc bao gồm:
- vỏ thân cây vông nem đã phơi khô (dùng khoảng 20 gam)
- rau nhãn lồng đã phơi khô (dùng cả thân và lá, khoảng 40 gam).
- lá sen đã phơi khô (30 gam), lưu ý, với lá sen thì bạn dùng lá của loại sen hồng hoặc sen trắng.
- củ gừng tươi (1 – 2 lát gừng tươi).
Cách thực hiện: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi hoặc ấm, nấu với 1 lít nước cho đến khi nước sắc lại, còn 1 chén thì chắt ra, để nguội và uống (đây là lần thuốc thứ nhất, uống vào buổi sáng). Sau khi uống xong, bạn đổ thêm 1 lít nước nữa vào nồi thuốc, nấu thêm cho đến khi nước thuốc sắc xuống còn 1 chén thì cũng chắt ra, để nguội và uống (đây là lần thuốc thứ hai, dùng uống vào buổi chiều, sau bữa ăn chiều khoảng 20 phút). Bài thuốc này bạn không uống liên tục mà uống cách ngày (tức một ngày uống, một ngày ngưng) cho đến khi hết bệnh.
Lưu ý khi dùng
- Với vỏ cây vông nem: bạn nên cạo bỏ lớp bần khô bên ngoài, sau đó rửa sạch và đem đi phơi hoặc sấy khô để dùng.
- Đối tượng cần tránh: Người huyết áp thấp hay phong hàn thấp thì không nên dùng.
- Nên sắc thuốc bằng lửa vừa hoặc lửa nhỏ để chất thuốc được chiết ra nhiều hơn.
- Nên kiểm tra kỹ và thường xuyên các nguyên liệu thuốc đã được phơi, sấy khô. Nếu phát hiện hỏng, mốc, bạn nên thay mới các loại thuốc, tránh dùng phải thuốc hỏng, mốc vì chúng rất có hại cho sức khoẻ, thậm chí gây ngộ độc (1) (2).
Kim Lụa