Bạch tiễn bì điều trị các chứng nhiệt độc, phong ngứa và sưng viêm

Bạch tiễn bì

Cây mẫu đơn thì ai cũng quen rồi còn sơn mẫu đơn (tức bạch tiễn bì) thì không phải ai cũng biết.

Mặc dù vỏ rễ của cây sơn mẫu đơn cũng được dùng làm thuốc như mẫu đơn nhưng hai cây này lại không cùng loại với nhau.

Mẫu đơn thuộc họ Mẫu đơn Trung Quốc còn sơn mẫu đơn lại thuộc họ Vân hương (1).

Vậy, cây thuốc này có đặc điểm gì và vị thuốc bạch tiễn bì có công dụng gì?

Vài nét về bạch tiễn bì

Ở Việt Nam, sơn mẫu đơn thường được gọi là bạch tiễn bì (có tên khoa học là Dictamnus dasycarpus) còn ở Trung Quốc, nó thường được gọi là bạch tiên (có nghĩa là sáng trắng, ám chỉ màu sắc trắng ngà của phần vỏ rễ).

Cây bạch tiễn bì
Cây sơn mẫu đơn

Ngoài ra thì cây còn có các tên khác như bạch dương tiền, bạch thiên… (1).

Về khu vực phân bố thì loài này mọc rải rác ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc (ở Việt Nam chưa tìm thấy nên nguồn dược liệu hầu như là nhập khẩu).

Công dụng làm thuốc của bạch tiễn bì

Mặc dù hoa bạch tiễn bì khá đẹp nhưng bộ phận được dùng làm thuốc của nó lại là vỏ rễ, có màu trắng như mỡ gà. Khi bẻ thử vỏ rễ ra ngửi thì ta sẽ thấy có mùi hơi khét (như mùi của con dê) (2).

Về tính vị, bạch tiễn bì có vị đắng, tính lạnh. Các công trình y học đã ghi chép về vị thuốc này như sau:

  • Sách Dược tính bản thảo: “Bạch tiễn bì chữa được hết thảy các chứng nhiệt độc, ác phong, sang nhọt“.
  • Sách Trương Sơn Lôi: “Phàm những chứng sang nhọt lở ngứa uống bạch tiễn bì rất kiến hiệu”.
  • Sách Bản kinh: “Bạch tiễn bì trị đau đầu, vàng da, … sưng đau trong âm hộ, phong thấp, bắp thịt cứng, co duỗi khó khăn, đi đứng hạn chế” (2).

Bên cạnh đó, theo y học cổ truyền, vị thuốc này còn được dùng trong các trường hợp như:

  • Thông vào kinh Can giúp thanh nhiệt và điều trị hoàng đản (vàng da).
  • Giúp sát trùng, giảm ngứa ngoài da, phong ngứa và lở.
  • Điều trị được các chứng thấp chẩn, thấp tý (2).

Có thể thấy rằng, đây là vị thuốc có hoạt tính đa dạng. Với các bộ phận ở phía trên của cơ thể thì nó điều trị được các chứng do phong nhiệt liễm vào mắt, vào đầu. Với các bộ phận ở giữa cơ thể thì nó làm tan thấp nhiệt liễm vào Tỳ, vào Vị (vì bạch tiễn bì có tính lạnh).

Liều lượng: Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành dùng từ 4 – 12 g, sắc lấy nước uống (2).

Bạch tiễn bì
Vị thuốc dạng khô

Lưu ý khi dùng

  • Kiêng kị: Không dùng chung với cát cánh, tỳ giải, phục linh và phiêu tiêu (2).
  • Đối tượng: Thuốc có tính hàn nên những người thể trạng hư hàn không nên dùng.
  • Về độc tính: Kết quả báo cáo trên tạp chí The Korean Journal of Hepatology cho thấy đã có một số trường hợp bị viêm gan sau khi dùng quá liều vị thuốc này. Cụ thể, các bệnh nhân này đã uống nước sắc từ rễ cây này 5 hoặc 6 lần mỗi ngày, từ đó gây viêm gan với các biểu hiện như vàng da, suy yếu gan… (3). Vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể, các bệnh nhân nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn liều lượng cho phù hợp.

Một số bài thuốc thường dùng

1. Điều trị lở ngứa

Khi dùng ngoài da, vị thuốc này có thể giúp giảm ngứa, làm tan nọc độc và xóa được thấp nhiệt liễm vào da thịt.

  • Chuẩn bị: bạch tiễn bì, liều lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: cho vào nồi, nấu lấy nước tắm rửa thường xuyên (2).

2. Điều trị sưng viêm khớp gối

Trong trường hợp chân bị sưng viêm, đau nhức do thấp nhiệt (có kèm sưng, nóng đỏ và đau) thì các bạn có thể tham khảo bài thuốc sau:

  • Chuẩn bị: bạch tiễn bì, thạch hộc, ngưu tất, kim ngân hoa, hán phòng kỷ, thương truật, bo bo, hoàng bá (mỗi loại 12 g).
  • Thực hiện: rửa thuốc sơ lại với nước lã rồi cho vào ấm, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang (2).

Thông tin thêm

  • Ở Trung Quốc, bạch tiễn bì được biết đến là vị thuốc thông vào Tỳ, Vị và còn có tác dụng giải độc, trừ tê thấp nhiệt (1).
  • Bạch tiễn bì còn được gọi là bạch tiên (một phát âm khác của chữ “tiên” là “tiền”). Vì vậy, khi dùng làm thuốc cần chú ý tên gọi, tránh dùng nhầm với một vị thuốc khác trong Đông y là vị “bạch tiền”.
Nguồn tham khảo
  1. 白鲜https://baike.baidu.com/item/%E7%99%BD%E9%B2%9C, ngày truy cập: 23/ 06/ 2020.
  2. Văn Thiên Đường – Văn Lượng – Lâm Hợi, Làm đẹp bằng các phương thuốc đông y cổ truyền, NXB Văn hóa thông tin, trang 218.
  3. Four cases of toxic Liver injury associated with Dictamnus dasycarpushttps://www.e-cmh.org/journal/view.php?number=788, ngày truy cập: 23/ 06/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện