Mùa hè này, rất nhiều người cảm thấy phiền vì chứng viêm da, nổi mề đay. Đặc biệt, với các bé dưới 5 tuổi thì tình trạng rôm sảy lại càng phổ biến. Hãy tham khảo cách điều trị rôm sảy cho trẻ theo kinh nghiệm dân gian mà Caythuoc.org chia sẻ dưới đây.
Thông thường, bé bị viêm da, rôm sảy, mẩn ngứa là do thời tiết nắng nóng… làm cho các mao mạch trên da của trẻ bị giãn da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập vào. Bên cạnh đó, thời tiết mùa hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều càng làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Với kinh nghiệm chăm sóc các bạn nhỏ, hôm nay, mình sẽ giới thiệu 5 bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị rôm sảy rất hiệu quả và dễ áp dụng.
Bài thuốc 1: Uống bột sắn dây và rau má
Chuẩn bị:
– 10 g bột sắn dây
– 30 g rau má (tươi)
Cách làm: Rửa sạch rau má với nước muối rồi giã nát và ngâm với nước sôi. Sau đó, bạn chắt lấy nước và từ từ hòa bột sắn dây vào, nấu cho chín rồi cho thêm một tí đường để bé uống (hoặc ăn).
Bài thuốc này áp dụng 2 hoặc 3 lần là khỏi (mỗi ngày một lần, có thể pha thêm 1 chút đường cho bé dễ dùng hơn).

Bài thuốc 2: Tắm nước lá kinh giới
Lá kinh giới na ná lá tía tô nhưng hương vị khác nhau rõ rệt. Để giảm mẩn ngứa, viêm da mùa hè, bạn có thể rửa sạch và nấu sôi lá kinh giới với nước (khoảng 10 phút). Sau đó, bạn pha vào nước tắm cho bé.
Một cách khác, bạn có thể dùng lá tươi, vò nát và nấu lấy nước rồi tắm cho trẻ.

Bạn có thể kết hợp bài thuốc tắm này với bài thuốc uống ở trên để hiệu quả nhanh hơn nha.
Bài thuốc 3: Tắm nước gừng tươi
Củ gừng từ lâu đã được biết đến là có công dụng kháng khuẩn, chống viêm nên bạn có thể giã nát củ gừng rồi cho vào nước tắm của bé. Tuy nhiên, bạn không nên dùng quá nhiều gừng vì có thể gây nóng da và tốt nhất thì bạn nên nhúng khăn vào nước tắm và lau nhẹ cho bé (đề phòng bé vẩy tay xuống nước rồi dụi vào mắt, làm cay mắt).
Bài thuốc 4: Tắm nước lá kim tiền thảo
Nếu bạn có kim tiền thảo thì bạn có thể hái một nắm lá, nấu lấy nước, để nguội, pha loãng ra với nước theo tỉ lệ 1:1 rồi tắm cho bé. Nước từ kim tiền thảo rất mát, thơm và dịu nhẹ nên phù hợp với làn da trẻ nhỏ.

Bài thuốc 5: Tắm nước lá me nước
Nước lá me nước là bài thuốc mà mình thích nhất. Hồi nhỏ, mỗi lần rảnh rỗi là mẹ mình lại hái lá me nước, nấu xong thì đổ vào hai cái thau lớn, pha loãng ra cho chị em mình tắm. Nước lá me nước rất thơm, có màu xanh và tắm thì rất thích. Tắm xong, toàn thân thơm nhẹ, mát mẻ, dễ chịu (tiếc là bây giờ, cây me nước không còn nhiều nữa).
Ghi chú: Bạn có thể dùng thêm phấn rôm em bé (loại phấn rơm Thái) để thoa lên những vùng da dễ ẩm ướt, đổ mồ hôi. Phấn rôm giúp mát da, thoáng da và cải thiện rôm sảy rất tốt.
Một số biện pháp phòng ngừa rôm sảy ở trẻ
Ngoài các bài thuốc kể trên thì bạn cũng cần phòng ngừa cho bé (vì mùa hè thì rất dễ nổi rôm sảy và tái phát).
- Thứ nhất, giữ gìn vệ sinh cho bé, cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng khí (vì mồ hôi và bụi bẩn là tác nhân phổ biến gây viêm da).
- Thứ hai, giữ cho ngôi nhà của bạn thoáng mát, sạch sẽ và thông gió.
- Thứ ba, cho bé tắm rửa mỗi ngày (vào mùa hè) để giúp mát da.
- Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước lọc hoặc nước trái cây.
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng.
- Khi bé ra nhiều mồ hôi thì lau người cho bé, không nên để mồ hôi nhễ nhại.
- Cho bé ăn uống đủ chất, ăn nhiều trái cây, rau xanh để tăng sức đề kháng, thanh nhiệt cơ thể.
Trên đây, mình đã giới thiệu cho các bậc phụ huynh cách trị rôm sảy cho trẻ: rất dễ thực hiện mà hiệu quả lại cao. Ba mẹ nên tham khảo để áp dụng điều trị và phòng ngừa rôm sẩy cho bé, để bé có một mùa hè năng động, khỏe mạnh nhé!
Thông tin thêm
Người trưởng thành cũng có thể bị rôm sảy vào mùa hè, thậm chí nhiều hơn trẻ nhỏ. Trường hợp này, bạn có thể nấu đậu xanh thành cháo rồi ăn (để thanh nhiệt giải độc, làm mát cơ thể) kết hợp với tắm một trong các loại lá vừa kể trên nhé!
Minh Thư – Tuyết Nhi