Nhiều người ngộ nhận rằng vitamin D có trong ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, không phải như vậy. Ánh sáng mặt trời không có vitamin D nhưng có thể giúp cơ thể chúng ta tự tổng hợp và sản xuất vitamin D trên da (1).
Tương tự như vậy, có nhiều người cho rằng loãng xương là do thiếu vitamin D nhưng trên thực tế, loãng xương còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như:
- Thiếu Can xi, trong đó, vitamin D là chất quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa, hấp thu Can xi.
- Lười vận động khiến cho xương bị thoái hóa dần.
- Làm việc quá sức chịu đựng của khung xương, làm việc nặng.
- Do tuổi tác và giới tính: Khi lớn tuổi, quá trình tạo xương sẽ chậm lại và quá trình hủy xương sẽ nhanh hơn, từ đó khiến cho mật độ xương giảm; ngoài ra, phụ nữ cũng thường mắc bệnh loãng xương nhiều hơn so với nam giới (2).
Làm gì để quá trình loãng xương diễn ra chậm hơn?
Mật độ xương bị giảm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như xương yếu, dễ nứt gãy, xẹp xương cột sống (gãy lún), đau nhức đầu xương, đau cột sống, đau thắt lưng… (2).
Vì vậy, để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh loãng xương cũng như phòng ngừa căn bệnh này, bạn nên thay đổi chế độ ăn của mình nhằm bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển của xương. Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi lối sống để đảm bảo thúc đẩy xương phát triển.
1. Bổ sung đủ lượng Can xi cần thiết
Bạn có biết, lượng Can xi trong cơ thể sẽ bị hao hụt đi mỗi ngày và cơ thể chúng ta cũng không thể tự sản xuất Can xi. Trong khi đó, Can xi lại là chất cơ bản giúp cấu tạo nên xương nên thiếu Can xi thì sẽ gây loãng xương (3).
Vì vậy, trong các bữa ăn hàng ngày, các bệnh nhân loãng xương nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu Can xi như: cá mòi, đậu phụ, rau chân vịt, nước cam, đậu trắng, đậu bắp, … (4).
2. Tăng cường vitamin D
Vitamin D là chất giúp đưa Can xi vào xương, vì vậy, khi cơ thể bạn bị thiếu Can xi thì bạn vừa cần bổ sung Can xi, vừa cần bổ sung vitamin D cho đủ nhu cầu hàng ngày bằng nhiều cách khác nhau như:
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đúng cách: thời gian tắm nắng khoảng 15 phút, không dùng kem chống nắng và nếu tắm nắng vào buổi chiều thì nên thực hiện từ 4 – 5 giờ (hoặc từ 5 – 6 giờ), khi nắng yếu; nếu tắm nắng buổi sáng thì nên thực hiện từ 6h30 – 7h30 nếu là mùa hè, từ 7h – 9h sáng nếu là mùa đông.
- Bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D như cá trích, cá hồi, hàu, tôm, lòng đỏ trứng gà, nấm, nước cam, sữa đậu nành…
- Dùng viên uống bổ sung vitamin D (1) (3) (5) (6).
3. Hạn chế bia rượu và thuốc lá
Thực tế cho thấy:
- Những người nghiện rượu bia cũng là những người dễ bị gãy xương, rạn xương.
- Mật độ xương ở người hút thuốc lá thường thấp hơn những người không hút (thậm chí khi dùng liệu pháp thay thế hoocmon giúp hạn chế nguy cơ loãng xương, gãy xương ở phụ nữ thì liệu pháp này cũng không mang lại hiệu quả đối với những phụ nữ hút thuốc lá) (3).
4. Tập thể dục đều đặn
Được biết, khi cơ thể chúng ta vận động, xương sẽ được kích hoạt chức năng và quá trình tái tạo của nó. Nói cách khác, các hoạt động làm việc thân thể và tập thể dục hàng ngày có thể giúp cơ thể tăng cường khối lượng xương và làm giảm tình trạng loãng xương, mất xương (3).
Vì vậy, hãy chú ý 4 điểm cơ bản trên đây để ngăn ngừa và làm giảm tình trạng loãng xương, bạn nhé!