Ngày nay, ai cũng đi làm nên nhiều kinh nghiệm truyền thống bị mai một, đặc biệt là kinh nghiệm chăm sóc trẻ con. Trong khi đó, trẻ con là đối tượng khó chăm sóc vì có nhiều vấn đề mà người lớn không hiểu. Chẳng hạn, nhiều bà mẹ trẻ hiện nay cảm thấy bối rối khi thấy con trẻ vặn mình, gồng mình, uốn éo…, không biết là nó đang bị bệnh hay nó chỉ đang vận động bình thường.
Thật ra, nếu ở tần suất ít, không ảnh hưởng đến giấc ngủ hay việc bú sữa của trẻ thì việc vặn mình này là biểu hiện sinh lý bình thường. Nguyên nhân của biểu hiện này là do cơ thể bé đang thích ứng với môi trường ngoài cơ thể mẹ.
Tuy nhiên, nếu trẻ vặn mình thường xuyên kèm theo quấy khóc, ngủ không ngon hoặc bé bú ít sữa, ọc sữa thì lúc này, bố mẹ cần để ý hơn tình trạng của bé. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, có ít nhất 2 nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng trên, đó là: do bệnh lý và do các tác động từ bên ngoài.
Các nguyên nhân bên ngoài
Vì môi trường bên ngoài rất khác với môi trường trong bụng mẹ nên các bà mẹ cần cho trẻ cần từ từ thích ứng, đặc biệt, cần chú ý nhiều đến nhiệt độ, âm thanh, không khí, ánh sáng,…, bởi vì các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến bé, làm bé khó chịu và thường xuyên vặn mình. Cụ thể như sau:
- Nơi trẻ ngủ không nên có quá nhiều ánh sáng: Nhiều bố mẹ cho rằng, ánh sáng trước 10 h sáng rất tốt nên sáng thì mở rèm cho nắng chiếu vào. Tuy nhiên, trẻ vừa chào đời thường sẽ ngủ nhiều và ở trong bụng mẹ thì không nhiều ánh sáng. Trẻ đã quen với điều đó nên bố mẹ chỉ nên để ánh sáng khuếch tán nhẹ nhàng thôi, để bé quen dần, không nên để ánh sáng quá mạnh.
- Cần chú ý tư thế lúc bé ngủ: Tư thế ngủ không thoải mái như gối kê đầu cao, thiếu mềm mại hay ồn ào cũng sẽ ảnh hưởng đến bé.
- Cần chú ý không gian trong phòng ngủ: Đồ dùng trong phòng nên hạn chế dùng vải bông, cũng không nên để cây hoa nhiều vì sợi bông hay phấn hoa bay trong không khí cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ.
- Chú ý nhiệt độ: Có thể do trẻ quá nực hoặc quá lạnh. Theo quan niệm của người xưa thì trẻ nhỏ cần được đội nón, đeo vớ tay, chân và quấn kín, tuy nhiên, tùy thời tiết, nếu không phải mùa lạnh thì bạn không nên quấn kín và chặt bé. Và cũng chia sẻ thêm rằng, thân nhiệt của trẻ em cao hơn người lớn thế nên bạn đừng sờ vào thấy da bé mát hơn da mình mà sợ bé lạnh rồi dùng nhiều khăn quấn nhiều lớp cho bé. Cũng không nên tháo hết vớ tay vớ chân, nón đội của bé vì trong bụng mẹ khá là ấm áp. Thường thì nên giữ vớ tay, vớ chân, nón và dùng một cái khăn đắp nhẹ nhàng cho bé là được.
- Bên cạnh đó, khi trẻ tiểu hay đại tiện trẻ cũng có thể gồng mình, hoặc tả bỉm của trẻ ướt, trẻ cũng sẽ vặn người, uốn éo.
Các nguyên nhân bệnh lý
Nếu bố mẹ đã kiểm tra các yếu tố trên rồi nhưng điều không phải là nguyên nhân thì hãy kiểm tra xem bé có gặp các vấn đề về da không nhé. Vì da bé sơ sinh rất non nớt nên dễ mẫn cảm với môi trường bên ngoài, bụi bẩn trong không khí, trời nóng quá khiến bé đổ nhiều mồ hôi, bé mẫn cảm với xà phòng giặt trên quần áo hay thậm chí mẫn cảm với loại phấn trẻ em mà bố mẹ đang dùng cho bé. Các yếu tố này có thể sẽ khiến da bé bị nổi mẩn đỏ, khiến bé ngứa ngáy khó chịu, vì vậy, bé hay uốn éo vặn mình.
Hoặc cũng có thể do trẻ bị côn trùng cắn – chỉ một hai vết cắn trên da nhưng nếu nó nằm ở những vị trí khuất như cổ, chân thì sẽ không dễ phát hiện. Vì vậy, bố mẹ hãy kiểm tra thêm yếu tố này để mau chóng bôi thuốc hoặc dầu cho bé giúp bé dễ chịu hơn nhé
Thứ hai, có thể bé đang bị các bệnh lý bên trong. Bệnh lý mà cháu mình gặp phải khiến bé thường xuyên trở mình, uốn éo, khóc và rên rỉ (như người lớn bị đau xương khớp trở mình ban đêm) là thiếu vitamin D và canxi. Khi thấy bé hay quấy khóc, uống sữa ít, mỗi lần vặn mình bé thường rên nhẹ, chị mình đã đưa bé đi bác sĩ và được chẩn đoán thiếu canxi.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa do bé sơ sinh hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Vì thế, không chỉ sữa công thức bên ngoài mà cả sữa mẹ cũng có thể khiến bé gặp một vài vấn đề nếu mẹ ăn trúng loại thực phẩm nào đó mẫn cảm với bé trong thời kỳ cho bé bú. Đối với nhóm nguyên nhân này, bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số mẹo nhân gian
- Mẹo thứ nhất, theo kinh nghiệm của ông bà ta, để bé không vặn người, uốn éo… thì khi giặt đồ cho trẻ, bạn không được vặn để vắt nước. Điều này có nghĩa là bạn có thể không vắt nước hoặc cho quần/áo của bé vào lòng bàn tay rồi bóp mạnh cho chảy bớt nước ra. Đây là điều mà mình đã nghe mẹ dặn chị và anh rể khi giặt đồ cho cháu. Lúc đầu, mình nghĩ cái này hình như không liên quan lắm, nghe có vẻ không hợp lý. Nhưng sau đó, mình suy nghĩ kỹ thì có thể là do khi vặn vắt như vậy sẽ làm cho đồ trẻ bị nhăn nhiều hơn vì vải cho trẻ mặc rất là mềm. Điều đó cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và vặn mình.
- Mẹo thứ hai là dùng lá trầu không. Nhà mình có trồng sẵn mấy dây trầu không, mẹ mình trồng để dùng làm thuốc. Ngoài tác dụng giúp giảm cơn đau do sâu răng thì nó còn giúp hạn chế tình trạng trẻ hay vặn mình. Cách thực hiện: Bố mẹ dùng lá trầu không tươi, đem ngâm nước muối loãng khoảng 3 đến 5 phút rồi rửa lại thật sạch bằng nước lọc cho ráo nước. Tiếp theo, bố mẹ đem lá trầu không đi hơ trực tiếp trên lửa nhỏ hoặc trên bếp than cho lá trầu không ấm lên nhằm làm tăng hiệu quả kháng khuẩn. Bố mẹ lưu ý là chỉ để lá vừa ấm ấm thôi, nếu lỡ hơ hơi quá tay khiến lá nóng lên thì bố mẹ để một chút cho lá nguội bớt, chỉ còn ấm rất nhẹ thì mới dùng được nhé (nếu không có thể gây bỏng cho bé vì da bé rất non nớt). Bố mẹ sẽ đắp trực tiếp lá trầu không hơ ấm lên da bé tại các vị trí như trán, cánh tay, lưng, mông, bụng và chân bé. Để đến khi lá trầu không thật nguội thì lấy ra. Bạn thực hiện mỗi ngày một lần vào buổi sáng để vừa giúp bé kháng khuẩn vừa giúp bé ấm áp hơn nhé. Cách này có thể áp dụng khi bé gặp các nguyên nhân do tác động từ bên ngoài môi trường như bụi vải, phấn hoa,… khiến bé thường xuyên vặn mình nhưng không có nổi mẫn đỏ.
- Mẹo thứ ba là dùng cây dương xỉ. Đây là phương pháp mình thấy cô mình làm cho cháu họ của mình và đạt hiệu quả sau ba lần dùng nhưng mình chưa thấy chia sẻ trên Google nên hôm nay mình xin chia sẻ thêm để mọi người có thêm lựa chọn. Cách thực hiện: lấy 7 nhành (đối với bé nam) hoặc 9 nhành (đối với bé nữ) dương xỉ (số lượng này theo kinh nghiệm nhân gian, mình thấy nhiều trường hợp hay dùng như vậy), bỏ vào nồi, thêm 1 lít nước nấu sôi, nấu từ 10 đến 15 phút rồi gạn lấy nước, pha loãng với nước lạnh cho còn ấm nhẹ rồi tắm cho bé (mỗi ngày tắm một lần vào buổi sáng hoặc chiều). Sau 3 lần, bé sẽ đỡ và bạn ngưng lại nhé.

Lưu ý
- Bố mẹ nên kết hợp thêm massage nhẹ nhàng tay chân và cơ thể bé, cho bé tắm nắng 25 đến 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng, trước 9 h.
- Đồng thời, bố mẹ cũng cần cẩn trọng trong từng bước, thực hiện kỹ những lưu ý để tránh gây ra những tình huống ngoài ý muốn như bỏng da bé.
- Bố mẹ nên thực hiện đúng liều lượng vì các phương pháp trên nguyên lý cơ bản đó là dựa trên đặc tính kháng khuẩn, bố mẹ không nên dùng quá nhiều (vì có thể gây phản tác dụng, làm tổn thương trên da bé).
- Cần chú ý quan sát, xem tình trạng của bé có được cải thiện từ ngay lần đầu sử dụng không, nếu không phù hợp thì lập tức ngưng lại ngay.
- Các trường hợp trẻ vặn mình nhiều, kèm ngủ không sâu, ọc sữa, quấy khóc hay trên da bé nổi mẫn đỏ nhiều… nên đưa bé đến bác sĩ.
- Các phương pháp trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào tình hình thực tế của trẻ nhà mình mà bố mẹ lựa chọn cách thức phù hợp nhé.
Nguyễn Sen