Một làn da có những mảng đỏ ửng, phủ đầy vảy bạc, nứt nẻ, chảy máu… thì người khác nhìn thôi cũng đã thấy ái ngại rồi (huống chi là sự mặc cảm ở bản thân người bệnh!).
Không chỉ thế, ở một số người, bệnh vảy nến còn gây đau nhức, ngứa rát nữa! Thực sự, đây là một trong những loại bệnh da liễu đáng sợ của nhân loại.
Vì sao lại đáng sợ ư?
Vì các dấu hiệu vừa kể trên chỉ là dạng thường gặp của vảy nến thể mảng. Còn trên thực tế, khoảng 20 % số người bị vảy nến còn gặp phải những triệu chứng lạ và quái ác hơn như: toàn thân nổi các mụn đầy mủ trắng (vảy nến thể mủ), da trên toàn cơ thể đỏ như tôm luộc mà lại có vảy bao phủ kín (vảy nến đỏ da toàn thân)…

Điều quan trọng hơn là hiện nay, bệnh vảy nến vẫn chưa có thuốc điều trị mà chỉ có những phương pháp nhằm kiểm soát bệnh, tránh để bệnh tiến triển nặng thêm.
Trong khi đó, số lượng người bị vảy nến là khá cao và hậu quả của nó gây ra về mặt tâm lý – như đã nói – là không hề nhỏ.
Vì vậy, ngay khi phát hiện các bất thường trên da và được chẩn đoán là bệnh vảy nến thì chúng ta cần nghiêm túc điều trị càng sớm càng tốt để có thể khống chế bệnh này (nếu dùng đúng thuốc và đúng các phương pháp trị liệu hỗ trợ, thư giãn tinh thần, tăng cường miễn dịch… thì việc điều trị bệnh này sẽ mang lại hiệu quả cao).
Được biết, hiện nay Tây y có rất nhiều thuốc điều trị vảy nến dạng nhẹ cũng như phương pháp điều trị bằng chế phẩm sinh học (dành cho trường hợp vừa và nặng) (6).

Điều trị vảy nến bằng Đông y
Điều trị vảy nến là một quá trình mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì ở người bệnh. Được biết, Đông y có nhiều cách điều trị vảy nến, trong đó có thể kể đến các cách sau:
1. Uống nước đậu xanh hằng ngày
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh vảy nến là do hệ thống miễn dịch kém. Ngoài ra, máu huyết lưu thông không đều và tinh thần thường hay căng thẳng, mệt mỏi cũng là những nguyên nhân phổ biến.
Trong khi đó, đậu xanh là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và chống oxy hóa từ bên trong.

Hơn thế nữa, theo kinh nghiệm dân gian, đậu xanh còn được xem là thực phẩm có tác dụng dưỡng huyết, giúp tinh thần bớt căng thẳng, mệt mỏi và cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn.
Vì vậy, đậu xanh được xem là một trong những món ăn hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến.
Cách dùng: lấy nửa chén đậu xanh, giã ra hơi nát rồi cho vào nồi, nấu với 1 lít nước cho đến khi nước rút còn 2 chén thì tắt bếp, để uống dần trong ngày và ăn cả cái (một ngày uống một ngày ngưng) (1) (2) (3).
2. Dùng hành lá điều trị vảy nến
Bên cạnh đậu xanh thì hành lá cũng là vị thuốc dân gian giúp hỗ trợ điều trị vảy nến (nhờ tác dụng giải độc, điều hòa khí huyết). Không chỉ thế, hành lá còn có tác dụng sát khuẩn và tăng cường miễn dịch.

Cách 1 – Ăn: Lấy 3 cọng hành lá, cắt bỏ rễ, phần hành héo và rửa sạch. Sau đó, cắt hành thành từng đoạn ngắn rồi để vào nồi nước đang sôi, trụng sơ qua (lưu ý chỉ trụng sơ chứ không nấu quá chín vì sẽ làm mất chất thuốc trong hành). Sau đó, bạn ăn hành cùng các bữa cơm (mỗi ngày ăn 2 lần, một ngày ăn một ngày ngưng).
Cách 2 – Ngâm chân: Lấy 5 cọng hành lá và một muỗng muối, cho vào nồi, thêm nước và nấu (lần này sẽ không trụng sơ hành nữa mà sẽ nấu thật kỹ). Sau đó, ta đổ nước ra, để nguội rồi ngâm tay, chân bị vảy nến hoặc dùng khăn mềm thấm thuốc và lau lên vị trí có vảy nến (mỗi lần ngâm hoặc lau kéo dài 25 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần, kiên trì hằng ngày thì sẽ giảm ngứa và ngăn ngừa bong tróc vảy trên da) (4).
Nhìn chung, cách dùng hành lá có một nhược điểm là hơi nặng mùi hành.
3. Dùng mè đen điều trị vảy nến
Mè đen là vị thuốc nổi tiếng trong Đông y. Ngoài công dụng bồi bổ, giúp đen tóc, mè đen còn có tác dụng nhất định đối với bệnh vảy nến (nhờ giúp cơ thể tăng cường miễn dịch và cải thiện tuần hoàn máu).
Cách dùng: rang mè cho chín, giã cho hơi nát rồi ăn với các món ăn tuỳ thích (mỗi ngày đều ăn 2 – 3 muỗng mè đen (muỗng nhỏ)).
Lưu ý: người bị vảy nến nên hạn chế đường (5).
Kim Lụa